Tết về Đắc Sở ngắm vườn “cây vàng” bạc tỷ

CHIA SẺ:

Giáp Tết Ất Mùi, ai về xã Đắc Sở và xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) đều phải trầm trồ trước những vườn cây phật thủ trĩu quả đang chuyển màu vàng rộm. Loại quả mang một cái tên đầy ý nghĩa “bàn tay Đức Phật” và thực sự đã trở thành “quả đổi đời” cho nhiều nông dân nơi đây.

Trên cánh đồng bạc tỷ

Vườn cây phật thủ trị giá hơn 400 triệu đồng của chị Nguyễn Thị Bích Thủy

Vườn cây phật thủ trị giá hơn 400 triệu đồng của chị Nguyễn Thị Bích Thủy

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy dẫn chúng tôi ra thăm vườn phật thủ của gia đình trên cánh đồng bãi, phấn khởi khoe: “Đến thời điểm này, quả phật thủ của nhiều nhà vườn ở bãi Đắc Sở và Yên Sở vẫn có mẫu mã khá đẹp dù thời tiết không thuận lợi. Nhưng chừng đó chưa đủ vì thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán còn khá dài, chúng tôi phải theo dõi sát sao thời tiết để có phương án xử lý phù hợp, giảm tối đa sự ảnh hưởng đến chất lượng quả”.

Sự thấp thỏm, lo âu của những nông dân xã Đắc Sở là điều không phải ai cũng biết. Chị Thủy chia sẻ: “Yêu cầu trước tiên phải là thổ nhưỡng phù hợp, thứ đến là kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Nếu không có đủ hai yêu cầu này thì khó có thể thành công với cây phật thủ”.

Theo tìm hiểu được biết, những nông dân như chị Thủy phải theo sát cây ngay từ đầu năm khi đợt thu hái cuối năm trước kết thúc, họ phải xem xét gốc, thân, lá để vệ sinh, xới đất bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Đến khi cây ra hoa, kết quả, họ phải tỉ mẩn đi đến từng gốc cây kiểm tra, đánh giá, trên cơ sở đó có giải pháp dưỡng cây để bảo đảm đậu được những quả tốt nhất, đẹp nhất. Chính vì sự khó tính của cây phật thủ nên mảnh đất Đắc Sở được là nơi người dân trồng phật thủ lớn nhất cả nước và cũng có thể hiểu hết “tính nết” của cây.

Gia đình chị Thủy trồng phật thủ từ năm 2009 với diện tích 7,5 sào ở vùng bãi xã Đắc Sở và 8 sào ở vùng bãi thuê lại của nông dân xã Yên Sở. Ngay trong năm thu hoạch đầu tiên (năm 2010), hai vườn quả này đã cho thu nhập bình quân 50 triệu đồng/sào. Theo chị Thủy, chỉ tính riêng việc “bán vườn” diện tích 8 sào ở Yên Sở để cung cấp quả cho thị trường Tết Nguyên đán hằng năm cũng đạt bình quân khoảng 400 triệu đồng.

“Phục vụ Tết Nguyên đán năm nay, vườn bên Yên Sở của gia đình tôi đã được bán cho thương lái với giá trị hơn 400 triệu đồng. Các vườn của nhiều gia đình khác cũng được bán với giá từ 300 đến 900 triệu đồng/vườn. Nếu bán lẻ thì tùy vào chất lượng, có thể dao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng một quả”– chị Thủy cho biết thêm. Vì có giá trị lớn nên trong thời gian này, các nhà vườn phật thủ canh phòng rất nghiêm ngặt. Ngoài việc mắc đèn điện thắp sáng vào ban đêm, dựng chòi canh thì các gia đình đều quây bao quanh vườn bằng dây thép gai và nuôi nhiều chú chó bảo vệ.

Anh Tạ Văn Thịnh, ở thôn Trung Kỳ có hơn 10 sào phật thủ, đã “bán vườn” với giá 900 triệu đồng, bộc bạch: “Quả phật thủ dùng cho ý nghĩa tâm linh nên mẫu mã luôn phải đặt lên hàng đầu, các khách hàng khi đến xem vườn ngắm nghía rất kỹ, khi đạt yêu cầu thì đắt họ cũng mua”.

Theo những nông dân có kinh nghiệm ở đất Đắc Sở, hình dáng phật thủ là do “trời” định chứ bàn tay con người không thể tác động theo ý muốn. Một quả có dáng đẹp là phải có ngón to, mọng, bung xòe rộng và xếp thành nhiều tầng.

Anh Thịnh chia sẻ: “Theo quan niệm tâm linh thì quả phật thủ mà nhiều ngón, hội tụ đủ các yếu tố “thịnh – suy – bĩ – thái”, ngón cuối cùng rơi vào “thịnh” thì gia đình được sung túc, ăn nên làm ra. Còn ai muốn gia đình đông con nhiều cháu thì lựa quả có nhiều ngón, nhiều tầng”. Vì thế mà trong nhiều năm qua, một số chủ vườn ở Đắc Sở đã bán cho khách những quả phật thủ giá trị hàng triệu đồng, khách về đặt từ 2 đến 3 tháng trước Tết Nguyên đán.

Chủ vườn phật thủ có diện tích 8 sào là anh Tạ Đăng Tư, dù mới thu năm thứ hai nhưng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay đã “bán vườn” với giá 600 triệu đồng, cho biết, hầu hết các chủ vườn “nuôi” quả phục vụ Tết đến thời điểm này đã bán cho khách. Chủ vườn có trách nhiệm trông coi đến khi họ cắt bán.

Ngoài bán dịp Tết, người trồng phật thủ cũng được thu hoạch quanh năm, vào các dịp lễ, “ngày rằm mùng một” hoặc bán cho thương lái mua quả làm thuốc bắc… nên thu nhập khá đều và ổn định.

Khát vọng sung túc

Cây phật thủ được đưa về đất Đắc Sở từ những năm 2002-2003. Chủ tịch UBND xã Đắc Sở Nguyễn Thị Hường cho biết: “Khi đó, ông Nguyễn Văn Thiết và ông Nguyễn Đình Lê làm nghề buôn bán ở miền ngược mang về quê một số cành chiết cây phật thủ và trồng trên đất bãi xã Đắc Sở, sau một thời gian chăm sóc, cây sai quả, mẫu mã đẹp. Thấy hợp chất đất, những gia đình này đã mở rộng diện tích và thu được hiệu quả kinh tế cao. Hàng chục gia đình khác ở Đắc Sở đã làm theo, học kinh nghiệm, mua giống, mở rộng diện tích trên vùng bãi trước đây trồng rau, trồng ngô có giá trị thu nhập thấp hơn nhiều”.

Qua đánh giá thì cây phật thủ cho giá trị kinh tế, bình quân từ 600 triệu đến 900 triệu đồng/ha/năm. Vì thế, diện tích cũng tăng theo cấp số nhân, từ chỗ chỉ trồng thử nghiệm, đến năm 2010 đất này đã có tới 20ha đến nay đã phủ kín vùng bãi xã Đắc Sở với 70ha. Ngoài ra, vùng bãi xã Yên Sở rộng 100ha và hàng chục héc ta đất ở các xã Tiền Yên (Hoài Đức), Sài Sơn (Quốc Oai), huyện Đan Phượng, huyện Phúc Thọ và các tỉnh như Bắc Giang, Hòa Bình… đã được người dân xã Đắc Sở thuê để trồng loại “cây bạc tỷ” này. “Trong xã hiện nay có đến 80% hộ dân có thu nhập chính bằng cây phật thủ. Khi người dân thuê đất ở nơi khác để trồng phật thủ, UBND xã đã phối hợp với các địa phương tạo thuận lợi về mọi mặt, nhất là việc bảo đảm an ninh trật tự”.

Cây phật thủ hiện có nhu cầu rất cao ngoài thị trường, nhất là vào những dịp lễ, Tết, trong khi đó, diện tích trồng loại cây này còn khá khiêm tốn và cây cũng “kén đất, kén người” nên đây cũng có thể xem là cơ hội cho nông dân Đắc Sở mở rộng diện tích. Theo Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Mai Lan, trong thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích của TP Hà Nội cũng như huyện Hoài Đức tạo điều kiện mở rộng diện tích cây phật thủ như triển khai Dự án trồng và chăm sóc cây phật thủ của Hội Nông dân thành phố bằng việc hỗ trợ cây giống, tập huấn khoa học kỹ thuật, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật; Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cho 20 hộ dân vay vốn trồng phật thủ số tiền 240 triệu đồng; xã Đắc Sở xây dựng đường giao thông ra vùng bãi…

Diện tích cây phật thủ đang tăng từng năm, tuy nhiên, theo lời những nông dân Đắc Sở thì các ban, ngành của TP Hà Nội và huyện Hoài Đức cần tiếp tục xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để bảo đảm việc mở rộng diện tích và tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề đầu tiên người dân quan tâm chính là được ưu đãi vay vốn, vì tiền đầu tư một sào phật thủ ở thời điểm này khá lớn (từ 25 đến 30 triệu đồng), trong khi nông dân luôn phải đối mặt nhiều rủi ro như thời tiết không thuận lợi; trồng cây có lớn nhưng không đậu quả, hoặc có quả thì… nhẵn như trái bưởi.

Thêm nữa, theo Chủ tịch UBND xã Đắc Sở Nguyễn Thị Hường, việc xây dựng thương hiệu cho quả phật thủ cũng cần được các ban, ngành liên quan xúc tiến nhanh hơn nữa để vừa tạo chỗ đứng cho sản phẩm, vừa bảo đảm quyền lợi cho nông dân. Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu “Phật thủ Đắc Sở” đang được tiến hành. Nói về tương lai của loại cây đã mang đến sự đổi đời cho người dân Đắc Sở, chị Nguyễn Thị Bích Thủy tâm sự: “Với ý nghĩa tốt đẹp của loài cây mang tên “bàn tay Đức Phật, người dân Đắc Sở luôn mong muốn mỗi sản phẩm sẽ mang an lành, sung túc đến với mọi người và cả chúng tôi mỗi dịp Tết đến, xuân về”.

Bình luận