Nhuận 2 tháng 9 nên Tết đến muộn cùng với thời tiết mưa nắng thất thường đã khiến những vườn phật thủ của bà con xã Đắc Sở – ngoại ô Hà Nội cho thu hoạch sớm hơn dự kiến. Việc này khiến không ít gia đình trong vùng thiệt hại lớn.
Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết âm lịch nhưng vườn phật thủ nhà ông Hanh ở Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội đã chín rộ. Ông cho biết, năm nay nhuận 2 tháng 9, lại tính sai lịch nên 2 mẫu phật thủ của gia đình ông cho thu hoạch sớm hơn dự tính, thua thiệt đến gần 1 tỷ đồng.
Thông thường, giá bán quả phật thủ thời điểm Tết âm cao hơn gấp 2, thậm chí 3 lần so với thời điểm trong năm. Do đó, các năm trước, trừ chi phí phân đạm, tiền thuê công làm cỏ, 2 mẫu phật thủ nhà ông Hanh cho thu đến 2 tỷ/năm. Năm nay, cùng diện tích và số quả, nhưng theo dự tính của ông Hanh, thì nhà vườn chỉ thu được khoảng 900 triệu đồng.
Theo kỹ thuật của các nhà vườn trồng phật thủ tại Đắc Sở, khoảng tháng 4, đầu tháng 5 (âm lịch), khi thời tiết nắng nhẹ, râm nhiều là bắt đầu cho cây đậu quả, thu hoạch đúng vào dịp Tết. Năm nay nhuận 2 tháng 9 nên bà con cũng lùi lịch kích quả lại 1 tháng, nhưng thời tiết nắng nóng khiến quả phát triển nhanh và chín sớm hơn so với dự tính. Có kinh nghiệm làm vườn gần 10 năm nay, nhưng không lường trước được thời tiết nên 1 mẫu 8 vườn phật thủ của gia đình anh Nguyễn Quang Kim (Đắc Sở, Hoài Đức) cũng đã chín vàng.
Anh cho biết, so với thời điểm giáp Tết mọi năm thì năm nay, anh thiệt hại đến 1 nửa. “Mặc dù đã tính toán theo năm nhuận, nhưng đúng là ‘người tính không bằng trời tính!”, anh Kim buồn bã cho biết. Năm nay, vườn phật thủ của anh Kim cũng sai quả không kém so với năm trước. Tuy nhiên, quả chín sớm nên giá bán thấp hơn nhiều so với Tết. Giá phật thủ trong năm khoảng 50.000 – 70.000 đồng/quả, thì thời điểm Tết giá bán buôn cũng đến 150.000 – 200.000 đồng/quả. “Do chế độ chăm sóc và không lường trước được thời tiết nắng mưa thất thường, nên những gia đình nào bắt quả vào tháng 5 đều đã chín vàng. Trong khi đó, nếu đúng lịch thì hiện tại quả mới đang trong quá trình phát triển”, anh Kim buồn bã nói.
Trong khi các vườn xung quanh quả đã ngả vàng thì 2 ha phật thủ nhà anh Thắng (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn xanh mướt. Anh Thắng bật mí, đã bắt quả vào tháng 7 âm lịch, nên 5 tháng sau vào dịp Tết là vừa cho thu hoạch. Tuy nhiên, giống phật thủ cứ 2 tháng cho thụ lộc 1 lần, nên anh phải bỏ hẳn 1 lứa lộc để cho thụ quả vào đúng dịp Tết. Tính ra cũng thiệt hại đến mấy chục triệu đồng, nhưng bù lại được vào cuối năm. “Hiện tại, bà con chăm sóc phật thủ theo kinh nghiệm qua các năm trồng chứ chưa đổi mới, học hỏi kỹ thuật khoa học hiện đại. Do vậy, phụ thuộc gần như 99% vào thời tiết. Nhiều nhà vườn tiếc 1 lứa lộc mấy chục triệu nhưng cuối cùng mất đến hàng tỷ đồng”, anh Thắng nói.
Theo một số nhà vườn tại Đắc Sở phản ánh, ngoài việc tính sai lịch năm nhuận thì thời tiết năm nay mưa ít, nắng nóng thất thường nên cây cho quả nhỏ, da không bóng và rám do sương muối.Chị Thùy (Trương Định, Hà Nội), một thương lái đi thăm vườn phật thủ chia sẻ:
“Nhìn chung năm nay các vườn phật thủ đều không đẹp so với năm trước. Hơn 1 nửa số vườn phật thủ tại Đắc Sở cho thu trước so với thời điểm Tết. Kéo theo đó, giá phật thủ trong năm rất thấp thì cuối năm, lượng quả ít mà giá cao gấp 2 – 3 lần”.
Bình luận