Huyện Hoài Đức, tp. Hà Nội hiện nay đang triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới. Toàn huyện chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó, tập trung xây dựng các mô hình sản xuất giá trị kinh tế cao xứng tầm với tiềm năng kinh tế của huyện ven đô.
Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả cao như:
- Vùng nhãn chín muộn 85ha tại các xã An Thượng, Đông La, Song Phương cho thu nhập từ 500 – 700 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng bưởi đường 40ha tại các xã Cát Quế, Đông La;
- Mô hình sản xuất cam Canh, phật thủ 80ha tại các xã Đắc Sở, Yên Sở, Tiền Yên cho thu nhập từ 600 – 900 triệu đồng/ha/năm;
- Vùng sản xuất rau an toàn 31ha cho thu nhập từ 350 – 450 triệu đồng/ha/năm…
Ngoài ra, người dân Hoài Đức còn mạnh dạn chuyển sang các mô hình sản xuất hoa, cây cảnh như sản xuất hoa lan tại An Thượng, Đông La; hoa hồng, hoa cúc tại các xã Đức Thượng, Yên Sở. Huyện Hoài Đức phấn đấu đến hết năm 2015 có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt và cơ bản đạt 15 tiêu chí.
Những năm gần đây, phật thủ đã trở thành loại cây mũi nhọn tại xã Đắc Sở. Toàn xã hiện có 75ha trồng phật thủ, chiếm hơn 70% đất canh tác. Người dân nơi đây đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng/năm từ trồng cây phật thủ.
Hiện nay, thương hiệu Phật thủ Đắc Sở đang ngày càng trở nên phổ biến khắp cả nước.
Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, huyện đã phối hợp với các sở, ngành xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi đường Quế Dương và nhãn chín muộn Hoài Đức. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế có nhiều nghề truyền thống, huyện đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ. Qua đó, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục ngàn lao động với mức thu nhập trung bình từ 35 – 50 triệu đồng/người/năm. Huyện đã quy hoạch 15 cụm, điểm công nghiệp và xây dựng các vùng công nghiệp tập trung, từng bước di dời các cơ sở làng nghề ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư nhằm phát triển kinh tế làng nghề bền vững.
Để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, Hoài Đức đã huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương phục vụ tưới tiêu; vận động doanh nghiệp, nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM. Đến nay, huyện đã có 4 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM là Yên Sở, An Khánh, Đông La, Kim Chung. Đặc biệt, mới đây xã Yên Sở – xã điểm NTM của Hoài Đức được UBND TP lựa chọn là xã đạt chuẩn NTM tiêu biểu của TP.
Ông Nguyễn Văn Đức – Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tăng hiệu quả, nâng cao chất lượng, giá trị các mô hình sản xuất giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, chỉ đạo các xã tập trung hoàn thành các tiêu chí ít kinh phí và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được.
Bình luận