Chiêm ngưỡng quả phật thủ trị giá 10 triệu đồng

CHIA SẺ:

Được tới thăm vườn Phật thủ của gia đình anh Toàn vào một ngày cuối tuần đẹp trời mới có thể chiêm ngưỡng tận mắt vẻ đẹp của quả Phật thủ có giá nhất thị trường năm nay, có giá lên tới 10 triệu đồng.

Nằm bên bờ sông Đáy, mảnh đất Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được thiên nhiên ưu ái bồi đắp bằng phù sa ngọt mát. Những năm gần đây nhắc Đắc Sở người ta luôn chỉ nghĩ tới mảnh đất riêng dành cho loại cây có hình dáng của bàn tay Phật – Phật thủ. Loại quả này có hình dáng đẹp mắt, mang trong mình ý nghĩa tâm linh sâu sắc là một trong những loại quả thường được dùng để bày mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền.

Về Đắc Sở, đặc biệt trong những ngày giáp Tết đầu xuân, sẽ thấy vô cùng đông đúc nhộn nhịp với cảnh buôn bán tấp nập trong những cánh đồng phật thủ rộng lớn. Cuộc sống của người dân nơi đây cũng trở nên sung túc hơn nhờ vào những cánh đồng này.

Thăm vườn phật thủ rộng 9 sào của gia đình anh Vương Trí Toàn, được biết vợ chồng anh chỉ chuyên tâm vào chăm sóc cây, phật thủ trong vườn nhà anh vụ nào cũng được lái buôn đặt trước. “Từ khi trồng loại quả này hầu như gia đình tôi không phải lo đầu ra. Sau khi thu hoạch sẽ có người đến tận nhà lấy mang đi bán, quả phật thủ không chỉ được bán trong nội thành Hà Nội mà được trở đi các tỉnh xa như Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng…” – Anh Toàn kể lại.

Ngoài hai vụ chính là rằm tháng bảy và Tết Nguyên đán, phật thủ cho thu hoạch quanh năm, là loại quả được người dân bày trên bàn thờ ngày rằm và mùng 1

Mỗi quả phật thủ được bán với giá từ vài chục cho đến vài triệu đồng. Nhiều người còn đặt mua cả cây, giá một cây phật thủ dao động từ 5 triệu đến 15 triệu đồng. Trừ hết chi phí chăm sóc, mỗi năm gia đình anh Toàn thu khoảng 50 triệu đồng từ một sào phật thủ. Từ hai năm nay, vợ chồng anh dành hầu hết thời gian ăn ngủ cùng cánh đồng rộng 9 sào chỉ trồng duy nhất loại cây kết trái “bàn tay Phật”.

Chi phí trồng, chăm sóc phật thủ không quá cao so với các loại cây cảnh khác, vất vả nhất là thời gian đầu chăm cây con. Loại cây này mang lại nguồn lợi kinh tế dồi dào cho người dân Đắc Sở, không ít hộ gia đình thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng loại quả độc đáo này. Trước nhu cầu ngày càng cao của Thị trường, nhiều hộ còn sang các xã lân cận khác như Yên Sở, Tiền Yên thuê đất trồng cây.

Mối duyên giữa cây và đất

Đắc Sở không phải là nơi duy nhất trên cả nước trồng phật thủ, hàng năm các hộ gia đình ở đây vẫn xuất hàng vạn cây con đi khắp các vùng miền trong cả nước. Nhưng nếu so sánh về độ đẹp, độc của trái thì phật thủ Đắc Sở luôn đứng ở vị trí số một.

Lý giải cho điều này các chủ vườn phật thủ cho biết rằng: Dải đất nơi đây được phù sa bồi đắp bao đời nay, là loại đất cát pha rất hợp cho những cây thuộc họ cam-chanh-bưởi phát triển. Đặc biệt người Đắc Sở đã có kinh nghiệm trồng phật thủ hơn 20 năm nay nên họ am hiểu “tính nết” của loại cây này như chính con người mình. Kỹ thuật vun trồng, tưới tắm loại cây cho ra quả “bàn tay Phật” không nơi nào sánh được với người dân Đắc Sở.

Những trái phật thủ có dáng đẹp, ngón to bung xòe, nhiều tầng được dân lái buôn và nhiều người chơi tìm về tận vườn đặt tiền trước từ nhiều tháng trước Tết. Anh Toàn phấn khởi khoe với chúng tôi: “Năm nay, vườn nhà mình có trái Phật Thủ được trả giá 10 triệu đồng, đây cũng là trái phật thủ đẹp nhất và có giá nhất Đắc Sở. Một khách hàng đã đến tận vườn buộc dây nilon đỏ đánh dấu và trả tiền từ hai tháng trước chỉ đợi giáp Tết là đến cắt về”.

Quả phật thủ có giá 10 triệu tại vườn của vợ chồng anh Toàn

Anh Toàn phân tích: “Quả phật thủ đẹp là quả khi đếm số ngón thấy hội tụ đủ các yếu tố Thịnh – Suy – Bĩ – Thái. Ngón tay cuối cùng rơi vào chữ Thịnh mang ý nghĩa năm mới phát tài, sung túc cho gia chủ. Gia đình nào mong muốn có đông con nhiều cháu thường chọn những quả có nhiều ngón, vươn rộng bởi theo ý nghĩa tâm linh số ngón tay trên quả phật thủ tượng trưng cho số con cháu trong nhà”.

Những trái phật thủ đẹp mắt, mang lại may mắn cho các gia đình dịp đầu năm mới được kết tinh từ phù sa ngọt mát, từ sự chịu thương chịu khó, từ tình yêu đất, yêu cây của người dân nơi đây. Mối duyên lành giữa đất và cây đã, đang và sẽ mang lại những mùa xuân sung túc, bình yên cho Đắc Sở.

(Theo Báo Pháp luật và Đời sống)

Bình luận